Không có màn hình máy chiếu hay thiết bị công nghệ hiện đại như các trường ở thành phố, những tiết học đầu tiên được kết nối qua Skype của thầy Hiếu sử dụng chiếc webcam cũ của máy tính để bàn, rồi phóng hình ảnh ra màn hình tivi để cả lớp theo dõi. Nhưng rồi chiếc webcam cũng quá cũ, hình ảnh mờ, thầy Hiếu tự bỏ tiền túi mua một chiếc webcam mới giá hai ba trăm ngàn để các em sử dụng.

Những lớp học Skype của thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu diễn ra ở Trường THCS Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang.

Thầy Hiếu năm nay 32 tuổi, là giáo viên dạy 2 môn Toán – Tin ở trường đã 11 năm nay.

Học trò của thầy Hiếu đa phần con nhà nghèo, gia đình làm nông hoặc cha mẹ đi làm mướn ở tỉnh xa. “Hoàn cảnh gia đình nhiều em khó khăn. Cha mẹ đưa con đến lớp phó mặc cho nhà trường. Thầy dạy gì cha mẹ cũng không biết. Học sinh đến lớp chủ yếu học kiến thức trong sách giáo khoa”.

Trong hoàn cảnh ấy, những tham vọng của thầy Hiếu dường như có vẻ lạc lõng và xa vời. Nhưng thầy vẫn hăng say làm với sự động viên và hướng dẫn rất nhiệt tình từ các thầy cô giáo trong Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft và các diễn đàn giáo viên đổi mới, sáng tạo khác.

Hình ảnh được đưa lên màn hình tivi để cả lớp cùng theo dõi. Ảnh: NVCC

Tham gia cộng đồng từ cuối năm 2016, thầy Hiếu được biết đến những công cụ có khả năng hỗ trợ tốt trong việc giảng dạy và học tập như: Sway, One Note, Google Form, các ứng dụng công nghệ thông tin như thư viện trắc nghiệm Violet, iSping…

“Skype in the classroom” (Skype trong lớp học) là một trong những cách thức học tập phổ biến với những thầy cô trong cộng đồng giáo viên sáng tạo. Với công cụ Skype, lớp học của thầy Hiếu được kết nối với các lớp học ở Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ.

“Giao tiếp với học sinh nước ngoài bằng tiếng Anh là một khó khăn với học trò của tôi” – thầy chia sẻ.

Những ngày đầu, để các em bớt bỡ ngỡ, thầy Hiếu và học trò cùng nhau chuẩn bị sẵn những gì cần nói. Giáo viên các nước cũng rất tạo điều kiện và hỗ trợ bằng cách nói rất chậm. “Ở vùng sâu vùng xa như học trò của tôi, nói tiếng Việt còn nhút nhát. Các em không có khả năng thuyết trình, cũng chưa từng có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài để rèn luyện khả năng tiếng Anh”.

Khó khăn đến thế nhưng thầy Hiếu và học trò vẫn nỗ lực từng ngày. Thầy kể, có những tiết học, các em nghe đầu bên kia nói không hề hiểu nhưng khi chơi trò đoán đất nước của các bạn, các em vẫn đoán đúng. Giáo viên bên kia khen các em rất nhiều và các em cũng rất vui về điều đó. “Những tiết học kết nối được các em hào hứng đón chờ. Đặc biệt, với những em thích học môn tiếng Anh thì tỏ ra rất thích thú”.

Học sinh rất hứng thú với những tiết học kết nối do thầy Hiếu tổ chức. Ảnh: NVCC